(NLĐO)- Gần 10 năm nay, ông Nguyễn Tấn Hải ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau phải sống trong đau đớn, vật vã với căn bệnh quái lạ cứ ăn dần ăn mòn khuôn mặt. Ngày qua ngày, vợ con cố níu kéo sự sống cho ông trong tuyệt vọng và cái nghèo bủa vây
Nhiều năm nay, trong căn nhà cấp 4 bên sông Rạch Rập (ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) đã vắng tiếng cười, thay vào đó là tiếng khóc nghẹn của người đàn bà hàng ngày chăm sóc cho người chồng 56 tuổi mang căn bệnh lạ nằm co quắp trên giường, không biết sống chết lúc nào. “Bệnh của chồng tôi ngày càng trở nặng, khuôn mặt không còn hình dạng, 2 mắt đã mù, chỉ ăn uống cầm chừng. Bác sỹ dặn cố gắng chăm sóc để duy trì sự sống được ngày nào hay ngày đó chứ vô phương cứu chữa”, bà Lâm Thị Nga (vợ ông Hải,) nói trong nước mắt.
Ông Hải nằm đau đớn trên giường với căn bệnh quái lạ
Bà cho biết, ông Hải phát bệnh từ năm 2007. Một hôm, ông đi làm về tới nhà, bảo nhức đầu, rồi sau đó mắt cứ nhắm nghiền lại. Hôm sau thì miệng bị lệch sang một bên, không kéo lại được. “Gia đình đưa đi bệnh viện Cà Mau khám thì bác sỹ bảo về châm cứu sẽ khỏi. Tôi đưa chồng đi tìm thầy thuốc Đông y châm cứu và hốt thuốc uống nhưng không thấy thuyên giảm”, bà Nga kể.
Đến đầu năm 2008, bệnh ông Hải trở nặng, không thể uống nước được nên gia đình đưa đi Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám. Tại đây, bác sỹ chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7, phần cơ bên trong má của ông Hải bị hoại tử nên chỉ định phẫu thuật lọc bỏ phần cơ bị hoại tử, xạ trị, đốt điện hàng chục lần rồi cho về.
Bốn năm sau, ông Hải lại ôm mặt đau đớn vì vết thương lại sưng lên, hơi thở hôi thối nên gia đình đưa ông lên Bệnh viện Ung bướu TP HCM chữa trị. Tại đây, bác sỹ phát hiện xương má, hốc mũi của ông Hải đã hoại tử rất nặng, phải điều trị kéo dài 5 năm nhưng không chắc có khỏi bệnh hay không.
Thời gian sau đó, gia đình liên tục đưa ông Hải đi tái khám nhưng bệnh thì cứ ngày một nặng hơn. Được 3 năm, kinh tế gia đình kiệt quệ nên đành đưa ông về nhà chăm sóc cho tới nay.
Hiện nay, ông Hải không còn đi lại được nữa. Ông nằm một chỗ với tấm băng gạc đậy kín trên mặt để cho máu không ứa ra ngoài. Ngày ngày, bà Nga vẫn miệt mài thay băng liên tục cho chồng. Dù đã rất cố nhẹ nhàng, tỉ mỉ nhưng tấm băng kéo ra tới đâu thì máu từ chỗ vết thương lại cứ ứa ra như không cầm lại được. Nghe chồng rú lên từng tiếng đau đớn mà nước mắt bà Nga ứa ra, giàn giụa.
Nhìn vào khuôn mặt bị ăn gần hết của người đàn ông bất hạnh, chúng tôi như không tin nổi vào mắt mình. Hai hốc mắt, gò má và một phần mũi của ông đã biến thành những khối thịt đỏ bầy nhầy, lộ cả xương hàm...
Hoàn cảnh gia đình ông Hải thuộc diện khó khăn, nghề nghiệp không ổn định. Từ khi ông đổ bệnh, 3 người con trai lớn phải bỏ học, đi làm phu hồ. Còn người con gái hiện vẫn theo học đại học năm thứ 3 nhưng phải làm thêm kiếm tiền đóng học phí và phụ giúp tiền thuốc cho cha. Bà Nga thì nhận ráp đồ thuê cho một tiệm may. Hằng ngày, ngoài thời gian chăm sóc chồng, bà phải ngồi thâu đêm may vá.
“Lúc chồng tôi mới phát bệnh, gia đình có một phần đất vườn phía bên kia sông. Mấy năm trước, chính quyền quy hoạch khu dân cư, bồi thường hơn 400 triệu đồng nhưng ngần ấy không đủ chi phí chữa bệnh cho ông. Tính ra, chí phí chữa bệnh cho chồng tôi từ trước đến nay đã hơn 1 tỉ đồng. Số tiền này tôi vay mượn từ nhiều người, bây giờ mấy mẹ con phải cố gắng vừa làm trả nợ vừa thuốc thang cho ông ấy với hy vọng níu kéo được ngày nào hay ngày đó”, bà Nga nói trong tuyệt vọng.
Bài và ảnh: DUY NHÂN báo nld.com.vn